Đến 2030 không còn giao dịch tiền mặt trong hoạt động giao thông vận tải

Đến 2025, với mục tiêu phát triển chính phủ số, sẽ hình thành được cơ sở hạ tầng dữ liệu của ngành Giao thông vận tải (GTVT), trong đó có cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung được kết nối, tích hợp dữ liệu từ các hệ thống nghiệp vụ chuyên dùng nhằm cung cấp thông tin phục vụ quản lý, điều hành GTVT tới được người ra quyết định đầy đủ, kịp thời và chính xác.

Cung cấp đầy đủ dữ liệu mở của ngành GTVT đối với các số liệu thống kê hàng năm và các loại thông tin phải được công khai theo quy định của pháp luật. 100% hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ GTVT được quản lý theo dõi tiến độ xử lý trên Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử. Tất cả các dịch vụ công phổ biến liên quan tới nhiều người dân và doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4 và được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; tối thiểu 50% số lượng bộ hồ sơ thực hiện tại Bộ GTVT được nộp trực tuyến mức độ 3, 4…

Với mục tiêu phát triển kinh tế số đến 2025, 100% các tuyến đường bộ cao tốc có triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh (ITS); hình thành được các trung tâm tích hợp quản lý, điều hành giao thông của đô thị thông minh tại các thành phố trực thuộc Trung ương và địa phương có nhu cầu.

Hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) được triển khai đồng bộ tại tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc, tiến tới xóa bỏ tất cả các làn thu phí sử dụng tiền mặt.

Tạo ra các nền tảng số kết nối dịch vụ vận tải đa phương thức, xây dựng chuỗi cung ứng logistics được làm chủ bởi doanh nghiệp của Việt Nam…

Giai đoạn đến năm 2030, với mục tiêu phát triển chính phủ số, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng dữ liệu của ngành GTVT với các nguồn dữ liệu được cập nhật thường xuyên, đầy đủ và chính xác; tạo lập được cơ sở dữ liệu không gian về kết cấu hạ tầng giao thông có đủ tính pháp lý để khai thác sử dụng trong các hoạt động quản lý, điều hành và phát triển của ngành.

Với mục tiêu phát triển kinh tế số, hệ thống giao thông thông minh được triển khai rộng khắp trên mạng lưới giao thông toàn quốc; có sự kết nối đồng bộ, liên thông kết cấu hạ tầng giao thông các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không./.

Nguồn: Thời báo tài chính VN

Hàng hải siết chặt việc niêm yết giá của hãng tàu

Cục Hàng hải Việt Nam vừa có văn bản gửi các DN vận tải biển container về việc thực hiện niêm yết giá theo Nghị định số 46/2016.

“Tìm hiểu của PV, hiện với một container, doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam phải chịu hơn 10 loại phụ phí như: Phí chứng từ, phí xếp dỡ, phí vệ sinh container, phí cân bằng container, phụ phí nhiên liệu… tổng chi phí hơn 500 USD/container 40 feet và hơn 350 USD/container 20 feet.” Đại diện Cục Hàng hải cho biết, với vai trò cơ quan quản lý Nhà nước, Cục sẽ yêu cầu các hãng tàu báo cáo, công khai giá vận chuyển, phụ thu, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Việc tăng giá, thu phụ phí sẽ do hãng tàu tính toán, quyết định để đảm bảo hiệu quả khai thác theo cơ chế thị trường.”

Theo đó, Cục Hàng hải yêu cầu các hãng tàu thực hiện nghiêm quy định về niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển, giá dịch vụ tại cảng biển.“

Cụ thể, hãng tàu phải thực hiện niêm yết đầy đủ thông tin như: Điểm đi và điểm đến của tuyến vận tải; Danh mục và mức giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển, phụ thu tương ứng với tuyến đường vận chuyển và loại hàng hóa được vận chuyển; mức giá niêm yết đã bao gồm giá dịch vụ liên quan phát sinh và các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có); Thông tin doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển hoặc đại lý, doanh nghiệp được ủy quyền niêm yết”

Trường hợp thay đổi theo hướng tăng giá vận chuyển bằng đường biển, tăng phụ thu đã được niêm yết, ngày hiệu lực của giá vận chuyển bằng đường biển hoặc phụ thu do doanh nghiệp quy định nhưng không sớm hơn 15 ngày liên tục kể từ ngày niêm yết sự thay đổi.

Nếu thay đổi theo hướng giảm giá vận chuyển bằng đường biển, phụ thu đã được niêm yết, ngày hiệu lực của giá vận chuyển bằng đường biển hoặc phụ thu được tính kể từ ngày đã niêm yết sự thay đổi.

Trường hợp thay đổi giá dịch vụ tại cảng biển thì thực hiện kê khai với cơ quan có thẩm quyền và niêm yết theo quy định của pháp luật về giá.

Bên cạnh việc niêm yết giá, Cục Hàng hải cũng đề nghị các DN quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics VN cho rằng, chỉ đạo của Cục Hàng hải trong việc niêm yết giá là vô cùng quan trọng trong những tháng cuối năm – thời điểm nhu cầu hàng hóa xuất nhập khẩu vận chuyển bằng đường biển tăng cao, các hãng tàu (đặc biệt là hãng tàu nước ngoài) có thể lợi dụng để áp phụ phí, làm phát sinh chi phí logistics đối với chủ hàng Việt Nam.

Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam đều mong muốn, tới đây, khi các chính sách mới được thông qua và áp dụng (như Thông tư 54 sửa đổi về biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam), cơ quan chức năng Việt Nam cần siết chặt quản lý việc tăng giá của các hãng tàu, tránh trường hợp doanh nghiệp phải chịu thêm các khoản phụ phí mới từ việc điều chỉnh khung giá.

Nỗi lo trên của các doanh nghiệp xuất phát từ thời điểm quy định về nhiên liệu mới đối với tàu biển (có hàm lượng lưu huỳnh 0,5%) của Tổ chức Hàng hải thế giới có hiệu lực. Nhiều hãng tàu đã thông báo về việc áp dụng thu phí phụ phí LSS đối với tất cả container hàng hóa từ với mức phí từ 67,5 -135 USD/container trên các chặng từ Hong Kong, Taiwan, Campuchia, Thái Lan và từ 112,5 -225 USD/container trên các chặng từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia… về Việt Nam.